TỔNG QUAN TÌNH HÌNH QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - TÂY BAN NHA

Trong những năm qua Việt Nam liên tục ở trạng thái xuất siêu lớn sang TBN và điểm đáng chú ý là: trong năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì được thị phần XK như năm 2019 đạt 0,92% trong thị phần NK chung của TBN với thế giới. Hiện tại Việt Nam đã vươn lên là nước có thị phần và kim ngạch XK lớn nhất trong số các nước ASEAN XK sang thị trường TBN, đứng ngang bằng với thị phần XK của Hàn Quốc.

1. Cơ chế hợp tác hiện hành.

 

Có thể nói quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam - Tây Ban Nha (TBN) thời gian qua phát triển tốt đẹp. Hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược” vào tháng 12/2009 và TBN cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên mà Việt Nam thiết quan hệ này. Cho đến nay hai nước đã ký hiệp định hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, cụ thể như sau:

 

- Tháng 10/2001: Hiệp định khung về hợp tác;

- Tháng 4/2002: Hiệp định hợp tác du lịch:

- Tháng 3/2005: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần;

- Tháng 6/2005: Hiệp định hợp tác văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật;

- Tháng 02/2006: Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư;

- Tháng 4/2010: Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng giao thông;

- Tháng 9/2010: Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng;

- Tháng 5/2017: Hiệp định tài chính lần thứ 5 và Bản ghi nhớ về việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ về kinh tế, thương mại và đầu tư;

 

- Tháng 6/2019, EU và Việt Nam đã chính thức ký Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA. Hiệp định EVFTA đã chính thức đi vào thực hiện từ ngày 01/08/2020 vừa qua. 

Về Ủy ban liên Chính phủ về kinh tế, thương mại và đầu tư, đại dịch Covid-19 xảy ra ngoài dự tính trong suốt năm 2020 và đến nay chưa có chiều hướng suy giảm, do vậy dự kiến của phía bạn về việc thu xếp chuyến thăm làm việc chính thức Việt Nam kết hợp tổ chức phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban này trong tổng thể chương trình thăm làm việc tại một số nước ASEAN của Bộ trưởng Bộ Công Thương - Du lịch đã không thể thực hiện được.

 

2. Tình hình quan hệ thương mại đến nay.

 

Trước đại dịch Covid-19, nhìn chung quan hệ thương mại song phương Việt Nam -TBN tăng trưởng khá ổn định về cả giá trị và cơ cấu mặt hàng. Theo thống kê cập nhật của Hải quan TBN, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương có xu thế gia tăng, cụ thể năm 2018 và năm 2019 tương ứng là 2,80% và 9,05%. Do ảnh hưởng của đại dịch trong suốt năm 2020, kim ngạch XNK song phương của 10T/2020 sụt giảm 15,00%.

Trong 10T/2020 kim ngạch XK của Việt Nam sang TBN đạt xấp xỉ 2,08 tỷ Euro (giảm 16,35%), NK đạt khoảng 0,34 tỷ Euro (giảm 5,82%), xuất siêu tiếp tục ở mức cao là 1,74 tỷ Euro (giảm 18,15%).

Trong những năm qua Việt Nam liên tục ở trạng thái xuất siêu lớn sang TBN và điểm đáng chú ý là: trong năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì được thị phần XK như năm 2019 đạt 0,92% trong thị phần NK chung của TBN với thế giới. Hiện tại Việt Nam đã vươn lên là nước có thị phần và kim ngạch XK lớn nhất trong số các nước ASEAN XK sang thị trường TBN, đứng ngang bằng với thị phần XK của Hàn Quốc.

 

Các mặt hàng XK của Việt Nam hiện có giá trị lớn nhất sang TBN lần lượt là: điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; giày dép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; cà phê; đồ chơi, thiết bị trò chơi và dụng cụ thể thao; đồ nội thất; hàng du lịch và da thuộc; các chế phẩm từ động vật thịt cá; cao su và các sản phẩm cao su; quả và quả hạnh ăn được; thủy sản; nhựa và các sản phẩm nhựa; dụng cụ đồ nghề kim loại và đồ bếp; thảm và các loại hàng dệt trải sàn khác;…

 

   Năm 2020 do ảnh hưởng hết sức nặng nề từ các giải pháp phòng chống đại dịch bao gồm việc áp đặt tình trạng cảnh báo quốc gia, hạn chế tối đa vận chuyển đi lại tiếp xúc trong nước và đồng thời đóng cửa biên giới đã dẫn dến nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhập khẩu hàng hóa giảm sâu so với năm 2019. Các mặt hàng XK của Việt Nam sang TBN nhìn chung đều bị suy giảm. Các mặt  hàng bị suy giảm xuất khẩu nhiều nhất phải kể đến là: nhựa và các sản phẩm nhựa (32,86%); đồ uống (30,11%); thủy sản (28,72%); dụng cụ đồ nghề kim loại và đồ bếp (27,64%); giày dép các loại (27,58%); các chế phẩm từ động vật thịt cá (24,05%); hàng dệt may (23,25%); điện thoại các loại và linh kiện (23,08%); quả và quả hạnh ăn được (18,28%); cà phê (12,71%).

Các mặt hàng NK của Việt Nam từ TBN hiện có giá trị lớn nhất lần lượt là: máy móc thiết bị điện, điện tử; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; hàng dệt may; dược phẩm; các chất chiết xuất làm thuốc nhuộm thuộc da; thịt và phụ phẩm; nhựa và các sản phẩm nhựa; sản phẩm từ sắt thép; đồ gốm sứ; các sản phẩm hóa chất; dụng cụ, thiết bị quang học, đo lường, y tế và phụ kiện; da sống và da thuộc.

 

Có thể nói hầu hết các mặt hàng này nhập khẩu để phục vụ trực tiếp đầu vào cho sản xuất trong nước của Việt Nam. Cũng do tác động tiêu cực của đại dịch, kim ngạch nhiều mặt hàng nhập khẩu bị suy giảm mạnh bao gồm: da sống và da thuộc (59,46%); sắt thép các loại (49,01%); nhựa và các sản phẩm nhựa (26,44%); đồ gốm sứ (20,85%); hàng dệt may (19,78%); đồ uống (19,34%); phế liệu và phế thải từ ngành công nghiệp thực phẩm (18,00%); máy móc thiết bị điện, điện tử (14,92%); chế phẩm từ ngũ cốc, bột, tinh bột sữa và các loại bánh (12,92%); dụng cụ, thiết bị quang học, đo lường, y tế và phụ kiện (10,57%); các sản phẩm hóa chất (10,22%); các chất chiết xuất làm thuốc nhuộm thuộc da (10,16%). 

 

Từ trước đến nay các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong XK hàng hóa sang thị trường TBN chủ yếu vẫn là: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thổ-Nhĩ-Kỳ, Bangladesh, các nước Trung Nam châu Mỹ (Brasil, Colombia, Ecuador, Argen tina) và một số nước ASEAN (Indonesia, Myamar, Thái Lan), một số quốc gia châu Âu (Bồ Đào Nha, Italy, Pháp) và châu Phi (Maroc, Nam Phi).

 

Năm 2020 TBN chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề từ các giải pháp phòng chống đại dịch bao gồm việc áp đặt tình trạng cảnh báo quốc gia, hạn chế tối đa đi lại tiếp xúc hội họp và đồng thời đóng cửa biên giới, do vậy các hoạt động xúc tiến thương mại của các nước chủ yếu đều phải thông qua công cụ môi trường trực tuyến như tổ chức các hoạt động Webinar, kết nối giao thương B2B và thiết lập hệ thống gian hàng hội chợ triển lãm trực tuyến.

 

Với cơ cấu hàng hóa hai nước cơ bản mang tính bổ sung cho nhau và nếu chủ động tích cực khai thác hiệu quả các cơ hội thương mại tiềm năng từ việc thực hiện Hiệp định EVFTA mới có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 vừa qua, thì trong thời gian tới nếu làm tốt công tác xúc tiến thương mại và công nghiệp thì thị phần và kim ngạch XK của Việt Nam tại thị trường TBN sẽ tiếp tục được cải thiện tốt hơn. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đang bùng phát đợt 3 tại TBN, tình hình kinh tế TBN chỉ có thể bắt đầu cải thiện từ sau tháng 6/2021 khi mà dự tính khoảng 50% - 70% dân số được tiêm chủng Vắc xin, kim ngạch XNK của Việt Nam với TBN năm 2021 sẽ được hồi phục dần với mức tăng trưởng “dương”, trong đó kim ngạch XK có thể đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5% bằng khoảng một nửa của năm 2019 thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. 

Xem thêm các thông tin hữu ích khác

Các địa chỉ cần biết

Dịch vụ nổi bật

WWW.VANCHUYENHANGTAYBANNHA.COM

Email: vanchuyenhangtaybannha@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/vanchuyenhangtaybannhaspain 

 

 


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng